CHÀO MỪNG NGÀY QUỐC TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH 27/12/2023 (International Day of Epidemic Preparedness)

CHÀO MỪNG NGÀY QUỐC TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH 27/12/2023

(International Day of Epidemic Preparedness)

Với mục tiêu phòng bệnh từ sớm, từ xa, để hạn chế dịch bệnh bùng phát. Ngày 27 tháng 12 là Ngày Quốc tế Phòng, chống dịch bệnh do Việt Nam đề xuất và đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đồng thuận, thông qua trong Nghị quyết số A/RES/75/27 ngày 7 tháng 12 năm 2020.

Ngày 27/12 được chọn làm Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh do đây là ngày sinh của nhà bác học Louis Pasteur, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho Y tế dự phòng.

Các công trình của ông về nguyên nhân của bệnh dịch và điều chế vắc xin đã và đang tiếp tục cứu sống nhiều thế hệ trên toàn thế giới.

Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh tập trung vào nâng cao nhận thức của từng cá nhân, từng cộng đồng và các Quốc gia về việc thường xuyên phòng chống dịch bệnh.

Quán triệt quan điểm phòng bệnh từ sớm, từ xa, để hạn chế dịch bệnh bùng phát và chủ động, chuẩn bị ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai và thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023 theo Quyết định số 1331/QĐ-BYT ngày 10/3/2023, Bộ Y tế tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh 27/12 nhằm nâng cao ý thức của người dân và tăng cường sự tham gia của các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng trong việc sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh và phát động phong trào thi đua phòng, chống dịch bệnh năm 2024.

Theo đó, Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh 27/12 tập trung vào nâng cao nhận thức của từng cá nhân, từng cộng đồng và các quốc gia về việc thường xuyên phòng bệnh dịch.

Cụ thể là cần tăng cường năng lực để đối phó kịp thời, đầy đủ và dập tắt nhanh chóng với bất kỳ dịch bệnh nào xảy ra. Vì vậy, Nghị quyết kêu gọi các quốc gia cần đầu tư cho năng lực sẵn sàng ứng phó nhằm ngăn chặn, phát hiện và giảm thiểu tác động của các tình huống nguy cấp ở tất cả các cấp độ, đồng thời tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần đẩy mạnh phối hợp chính sách, đoàn kết hành động và đề cao hợp tác quốc tế trên tinh thần ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, để có thể đẩm bảo những đứa trẻ của chúng ta và các thế hệ tiếp theo sẽ được tiếp quản một thế giới an toàn, phục hồi tốt và bền vững.

Sáng kiến của Việt Nam về Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh được đưa ra đúng vào thời điểm đại dịch COVID -19 tiếp tục lây lan mạnh mẽ và gây ra những hậu quả nặng nề cho nhân loại, nên đã nhận được sự ủng hộ và quan tâm của của cộng đồng Quốc tế.

Bởi có nhiều quan điểm cho rằng sự chuẩn bị sẵn sàng là một khoản đầu tư đúng đắn với chi phí thấp hơn nhiều so với các khoản chi khẩn cấp.

Vì vậy, cần có chiến lược và lộ trình dài hạn để xây dựng một hệ thống ứng phó với những đại dịch tương tự trong tương lai.

Cần có sự chung tay của người dân cùng nghành Y tế phòng chống dịch bệnh.

Ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân là yếu tố quyết định mang lại sự thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Khi người dân nâng cao tinh thần trách nhiệm, hành động tích cực, tự giác sẽ giúp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào mỗi gia đình, mỗi địa bàn, từ đó góp phần phòng bệnh cho cả cộng đồng.

Không ai có thể đảm bảo mình sẽ an toàn khi cộng đồng còn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Do đó, để phòng chống dịch bệnh tốt trên địa bàn huyện Võ Nhai ngoài sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể cần có sự chung tay của toàn thể nhân dân.

Người dân cần tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo phòng bệnh của ngành y tế.

Đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như Cúm, Viêm phổi do phế cầu,… người dân nên chủ động tiêm vắc xin để phòng bệnh.

Đặc biệt các bệnh có vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng(TCMR) như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván,…. Cần đảm bảo trẻ em trong gia đình được tiêm đủ mũi các vắc xin.

Đối với các bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh như Sốt xuất huyết người dân cần tích cực phối hợp với chính quyền và ngành Y tế thực hiện các biện pháp dự phòng để phòng, chống dịch bệnh.

Với tình hình các dịch, bệnh truyền nhiễm phức tạp, có nguy cơ lây lan và gây dịch trong thời điểm giao mùa và trong kỳ nghỉ lễ, Tết, mùa lễ hội đầu xuân năm mới sắp tới toàn dân cần chung tay cùng ngành Y tế để phòng, chống dịch bệnh.

 

MỘT SỐ THÔNG ĐIỆP PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH

  1. Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh.
  2. Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác – chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở.
  3. Phòng, chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
  4. Thường xuyên rửa tay, vệ sinh cá nhân để phòng chống dịch bệnh.
  5. Ăn chín, uống sôi, an toàn thực phẩm để phòng chống dịch bệnh.
  6. Thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nơi ở để ngăn ngừa mầm bệnh phát triển.
  7. Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả để chủ động phòng chống dịch bệnh.
  8. Quan hệ tình dục an toàn để phòng chống bệnh lây lan qua đường tình dục.
  9. Thực hiện lối sống khoa học, dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng.
  10. Không tiếp xúc động vật ốm, chết và không sử dụng thực phẩm không an toàn.
  11. Phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, giữ ấm cơ thể, thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng.
  12. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, thăm khám kịp thời.
  13. Không tự ý mua, sử dụng kháng sinh để phòng và chữa bệnh.
  14. Thực hiện 2K (khẩu trang – khử khuẩn) để phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.
  15. Đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng, tại các địa điểm tập trung đông người.

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi trực tiếp